Thị trường chai PET toàn cầu đã có xu hướng tăng giá trong tháng 2 nhờ giá dầu thô tăng vọt. Tác động thêm vào tình hình này là cước phí vận tải leo thang và các vấn đề dai dẳng về container, vì chúng đã tạo ưu thế cho người bán. Mùa cao điểm vẫn chưa bắt đầu ở hầu hết các khu vực, nhưng các nhà xuất khẩu châu Á đã đạt được doanh thu cao tại những thị trường chủ chốt.
Theo thống kê, Trung Quốc là nước xuất khẩu PET hàng đầu thế giới với thị phần lớn là 35% vào năm 2021. Đài Loan đứng ở vị trí thứ hai với 10% thị phần tổng xuất khẩu, tiếp theo là Hà Lan và Ấn Độ với 7%. Hàn Quốc và Thái Lan cũng đóng vai trò quan trọng với thị phần tương ứng là 4% và 3% trong xuất khẩu PET toàn cầu.
Báo giá xuất khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 năm qua
Theo dữ liệu trung bình hàng tuần của ChemOrbis, báo giá chai PET xuất khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2018, phản ánh sự nhiệt tình mua hàng và xu hướng tăng giá dầu.
Những người tham gia thị trường cho biết: “Nguồn cung eo hẹp do những khó khăn về logistic cùng với việc giảm bớt lo ngại về Omicron đã hỗ trợ cho các thị trường PET trong khu vực vào tháng 2. Những yếu tố này cũng như nhu cầu sôi động từ các thị trường xuất khẩu đã làm lu mờ đà giảm nhẹ giá MEG và PTA giao ngay trong tuần này.”
Nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa châu Á tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu
Trong khi đó, một số nhà xuất khẩu châu Á cho biết họ đã chứng kiến nhu cầu tăng cao từ các thị trường lớn, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và châu Âu trong tháng này.
Số liệu thống kê cho thấy Mỹ là nước mua PET số một trên thế giới. Trong năm 2021, nhập khẩu vào Mỹ chiếm 18% tổng nhập khẩu PET. Tiếp theo là Nhật Bản với 11% thị phần. Ý và Pháp theo sau trong danh sách với vị trí là các nhà nhập khẩu PET lớn thứ ba và thứ tư. 30% nhập khẩu PET cũng được hình thành bởi các nước châu Âu bao gồm Nga và Ukraine, theo số liệu thống kê năm 2021.
Mặc dù mùa cao điểm vẫn chưa bắt đầu ở nhiều quốc gia và hoạt động hạ nguồn có vẻ trầm lắng, song các nhà cung cấp hàng hóa châu Á đã chứng kiến nhu cầu mua hàng cao trên toàn thế giới nhờ sức cạnh tranh của họ và các hạn chế về nguồn cung tại những thị trường khu vực.
Một thương nhân ở Trung Quốc xác nhận đã nâng các báo giá xuất khẩu hạt nhựa PET của họ, do thị trường dầu thô tăng giá và nguồn cung thắt chặt trong khu vực. Thương nhân này nhận xét: “Nhu cầu trên tất cả các khu vực tăng rất mạnh, do dự báo lạc quan về sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Nhu cầu mua hàng từ người tiêu dùng cuối cũng tăng lên trong tuần này vì nguồn cung trong khu vực eo hẹp.”
Một người bán khác tại Trung Quốc nói: “Doanh số bán hàng trong khu vực và xuất khẩu sang Mỹ rất mạnh mẽ. Lượng mua giao ngay đã tăng lên trong tuần này vì nhiều người mua quay trở lại thị trường hơn.”
Tương tự, một nhà sản xuất Thái Lan đã cập nhật về sự cải thiện nhu cầu trong khu vực và trên toàn cầu bất chấp biến thể Omicron, phản ánh rằng đà phục hồi kinh tế toàn cầu đang đi đúng hướng. Nhà sản xuất này lưu ý thêm: “Nhu cầu từ Nhật Bản, thị trường xuất khẩu chủ chốt của chúng tôi, vẫn sôi động và cũng rất mạnh từ Mỹ và châu Âu.”
Nhu cầu ở Đông Nam Á cũng sôi động
Theo một nhà sản xuất PET của Hàn Quốc, nhu cầu ở Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian còn lại của tháng 2 nhờ việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Nhà sản xuất này nói: “Đợt tăng mạnh giá các tiêu chuẩn dầu đã thu hút người mua trở lại thị trường, điều này thúc đẩy nhu cầu gia tăng từ Mỹ, châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Chúng tôi còn cho rằng hoạt động tăng lên là vì chi phí vận chuyển cao và tình trạng khan hiếm container trên toàn cầu.”
Nguồn cung giao ngay hạn chế, chi phí thúc đẩy nhu cầu từ châu Âu
Người tiêu dùng hạt nhựa PET ở châu Âu đã gặp khó khăn trong việc phản ánh sự gia tăng chi phí tiện ích lên khách hàng cuối cùng của họ do nguồn cung hạn chế khiến thị trường giao ngay trong khu vực leo thang trong một tháng nữa. Trong khi đó, các lô chai PET nhập khẩu từ Bắc và Đông Nam Á cũng như Ấn Độ đã thu hút nhu cầu mua hàng, đặc biệt là vào đầu tháng 2 do lợi thế cạnh tranh của chúng.
Trong thực tế, báo giá nhập khẩu đã xuất hiện ở mức 1400-1430 EUR/tấn CIF/DDP Ý so với giá nội địa bằng hoặc cao hơn 1500 EUR/tấn theo phương thức FD, trước khi tăng lên 1450-1470 EUR/tấn trong thời gian gần đây.
Theo thống kê, các nhà xuất khẩu châu Á đã đáp ứng khoảng 20% tổng cầu của các nước Liên minh châu Âu trong năm 2021, trong khi khu vực này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung nội địa. Các nhà cung cấp châu Á chính của khu vực là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc.
Người bán PET ở châu Âu cho biết nhu cầu ở mức bình thường vào thời điểm này trong năm, vì mùa cao điểm của các vật dụng PET vẫn chưa bắt đầu. Đối với tháng 3, khả năng việc cập bến của hàng nhập khẩu bị trì hoãn cùng với đợt tăng giá dầu thô được dự kiến sẽ khiến thị trường duy trì ở các mức giá phổ biến. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường không loại trừ các mức tăng nhỏ nếu hoạt động tăng lên do đầu mùa.
(Nguồn: chemorbis)