Tin ngành nhựa

Bản tin Thương mại Ngành Nhựa và Hóa chất (Tuần từ 20/8 – 27/8/2020)

TỔNG QUAN KINH TẾ

Kinh tế thế giới

Mặc dù vẫn đối mặt với những thách thức đến từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên nhìn chung trong tuần qua kinh tế toàn cầu đã đón nhận một số tín hiệu tích cực trong bối cảnh việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 tại nhiều quốc gia đã có những kết quả khả quan bước đầu cộng với sự lạc quan ngày càng tăng về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong tuần cuối tháng 8/2020, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận kinh tế – thương mại giải đoạn 1 mà hai bên đạt được vào đầu năm 2020 và cam kết tiến hành các bước tiếp theo để bảo đảm sự thành công của thỏa thuận. Diễn biến này được xem là điểm sáng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau thời gian xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Mỹ

  • Kinh tế mỹ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối phó với ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu và đối mặt với bế tắc trong việc đưa ra các chính sách kích thích kinh tế mới sau khi điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh hết hạn ngày 31/7.
  • Tháng 8/2020, niềm tin tiêu dùng của Mỹ sụt giảm mạnh trước sự gia tăng liên tục của số ca nhiễm Covid-19 và triển vọng trong tương lai gần của nền kinh tế Mỹ tiếp tục xấu đi.
  • Trên thị trường lao động, số người nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 15/8/2020 tăng đột biến 1,106 triệu người, đánh dấu từ tháng 3/2020 đến nay số lượng người thất nghiệp tại Mỹ vượt lên mức 1 triệu.
  • Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường nhà đất vẫn có tín hiệu khơi sắc khi doanh số bán nhà mới trong tháng 7/2020 tăng 13,9% so với tháng trước, nguyên nhân chính của tăng trưởng nóng này là nhờ sự hỗ trợ bới mặt bằng lãi suất ở mức thấp và đồng USD tiếp tục suy yếu.

Kinh tế Trung Quốc

  • Trước những sức ép và khó khăn từ dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại nước này đã đồng loạt hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước qua việc giảm lợi nhuận trong hoạt động của ngân hàng cho dù tín dụng vẫn ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực.

Kinh tế khu vực Eurozone

  • Các nhà hoạch định chính sách EU vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn trong việc đưa kinh tế châu lục hồi phục trở lại, nhất là trong bối cảnh Covid-19 đang có dấu hiệu tái bùng phát.
  • PMI tổng hợp của khu vực Eurozone trong tháng 8/2020 giảm mạnh xuống mức 51,6 điểm. Trong đó PMI trong lĩnh vực sản xuất đạt 51,7 điểm và lĩnh vực dịch vụ đạt 50,1 điểm.
  • Diễn biến này cho thấy các nền kinh tế tại khu vực sẽ không tăng trưởng trong tháng 8.

Kinh tế trong nước       

  • Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trên đà suy giảm do chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu hút FDI của nước ta từ đầu năm đến nay đã đạt được những kết quả tương đối khả quan và được coi là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này.
  • Trong lĩnh vực thương mại, hoạt động xuất khẩu tiếp tục có chuyển biến tích cực với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2020 ước tính tăng 6,5% so với tháng trước và 2,5% so với tháng 8/2019.
  • Mặc dù việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 tại nhiều quốc gia có những tiến triển tích cực nhưng nhìn chung dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn và kéo theo quá trình hồi phực thực sự trong hoạt động sản xuất.

NGÀNH NHỰA – HÓA CHẤT VIỆT NAM

Nhập khẩu hóa chất

  • Kim ngạch nhập khẩu hóa chất tháng 8/2020 ước đạt 400 triệu USD tăng 2,1% so với tháng 7/2020. Tổng 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019.
  • Sau khi giá giảm liên tiếp từ tháng 4/2020 đến tháng 7/2020 nhiều loại hóa chất nhập khẩu tăng giá trở lại như: Axit terephthalic tinh chế. Vinyl chloride monomer, Muội carbon, Methanol,…

 

Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu

  • Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu trong tháng 8/2020 ước đạt 580 nghìn tấn với trị giá 680 triệu USD. Tổng 8 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu mặt hàng này ước đạt 4,32 triệu tấn với trị giá 6,36 tỷ USD, tăng 4% về lượng nhưng giảm 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
  • Giá nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu trong tháng 7/2020 tăng trở lại sau khi giảm liên tiếp 3 tháng trước. Trong đó PE; PP; PVC; PET; PS và ABS đều tăng với mức tăng lần lượt là 4,3%; 3,8%; 7,6%; 2,1%; 2%; 4,1% so với tháng 6/2020.

Xuất khẩu sản phẩm nhựa

  • Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tháng 7/2020 đạt 311,9 triệu USD, tăng 7,7% so với tháng 6/2020, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nâng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 đạt 1,9 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019.
  • Sản phẩm nhựa xuất khẩu trong tháng 7/2020 tăng nhờ nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: Tấm, phiến, màng nhựa đạt 82,8 triệu USD, tăng 59,7%; sản phẩm nhựa gia dụng đạt 36,6 triệu USD tăng 109,8%; phụ kiện hàng my mặc và đồ phụ trợ đạt 3,2 triệu USD tăng 340,1% so với tháng 6/2020.

 

TÌNH HÌNH NGÀNH NHỰA – HÓA CHẤT TUẦN TỪ 20/8 – 27/8/2020

Nhập khẩu nguyên liệu nhựa

Về thị trường nhập khẩu

  • Theo số liệu thống kê sơ bộ, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu tuần qua đạt 161 nghìn tấn với trị giá 195 triệu USD, tăng 3% về sản lượng và 4,5% về trị giá so với tuần trước.
  • Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu từ các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản tăng nhẹ; từ thị trường Hồng Kông, Malaysia giảm so với tuần trước.

Về thị trường xuất khẩu

  • Sơ bộ thống kê, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam tuần 20/8 – 27/8/2020 đạt 155 triệu USD, tăng 10,5% so với tuần trước.
  • Trong tuần qua, xuất khẩu sản phẩm nhựa sang 85 thị trường trên thế giới, trong đó có 16 thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD. Trong đó xuất khẩu sản phẩm nhựa sang thị trường Nhật Bản vượt quá Mỹ vươn lên vị trí đầu đạt kim ngạch xuất khẩu 19,1 triệu USD tăng 15,1% trong khi Mỹ đạt 19 triệu USD tăng 4,7% so với tuần trước đó.

Tin liên quan